Những ngày cuối năm, dọc khắp đường làng Mỹ Lồng (Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre) là la liệt những liếp bánh tráng nối dài bất tận. Cả làng thơm nồng vì mùi thơm béo của nước cốt dừa.
3 tháng cuối năm là dịp “ăn nên làm ra” của hơn 200 lò bánh tráng trong làng. Cảnh sản xuất nhộn nhịp từ sáng đến tối.
“Nhà tôi làm ít, ngày tráng 60 lít bột. Cơ bản chỉ làm 3 tháng cận thôi, cũng để lãi được chừng trăm triệu đồng”, bà Thu (50 tuổi) chia sẻ.
Nhà ở đầu làng, ngay lộ lớn nên bà Thu vừa có lò tráng vừa có sạp bán bánh. Lò bánh của bà Thu tráng đủ bánh các loại I, II, III với mức giá 3-7 nghìn đồng/cái.
Bà Thu học nghề từ mẹ, nay con gái bà lại tiếp tục theo nghề tráng bánh. Dụng cụ làm bánh vẫn là lò lửa, nồi nước, liếp phơi có từ xa xưa, kỹ thuật cũng không hề thay đổi.
Liên tục đảo tay, đảo mắt giữa 2 nồi nước sôi sùng sục, vừa gỡ bánh khỏi tấm vải căng trên mặt nồi, bà Thu lại nhanh chóng tráng lên lớp bột mới. Loạt thao tác phải hoàn thành trong 30 giây trước khi bánh quá chín, người phụ nữ gần như không có thời gian nghỉ.
Bánh tráng xong cho lên liếp đem phơi nắng nhưng không được để quá khô. Sau khi mặt trời lặn, các liếp bánh lại được đem phơi sương lần nữa để đảm bảo độ ẩm, tránh bánh giòn dễ vỡ khi bảo quản.
Cạnh nhà bà Thu, lò bánh của bà Thúy (49 tuổi) cũng đang hối hả làm việc. Để tráng 100 lít bột mỗi ngày, bà Thúy phải bắt đầu công việc từ 1h sáng để kịp hoàn thành trước giờ trưa.
Hơi nước bốc lên từ nồi nước tráng bánh khiến khuôn mặt bà Thúy đỏ ửng. Người phụ nữ làm việc với mức độ tập trung cao nhất vì khâu tráng sẽ quyết định phần lớn đến chất lượng của bánh, cũng là khâu khó làm nhất.
“Tráng bánh nhìn vậy chứ không đơn giản chút nào đâu, lỗi nhịp là bánh rách, hỏng ngay. Tôi học nghề từ bà và mẹ, thâm niên đến nay cũng gần 40 năm rồi.From: web game casino
Tôi tráng loại bánh 3.000 đồng/cái, mỗi ngày làm ra 2.200 cái bánh. Mỗi ngày, trừ tiền thuê nhân công 1 triệu đồng, tôi còn để ra gần 1 triệu đồng tiền lãi. Những năm trước làm êm lắm, năm nay thời tiết không thuận, lượng mua cũng giảm nhiều”, bà Thúy chia sẻ.
Chị Trang dù mới 33 tuổi nhưng đã là thợ tráng bánh sành sỏi. Tuy nhiên vì điều kiện gia đình không tiện mở lò, chị Trang chọn đi làm công cho hàng xóm.
Lò bánh nơi chị Trang làm có bà chủ là thợ chính, 3 người làm công là thợ phụ. Thợ chính chỉ việc tráng bánh, thợ phụ làm những công đoạn còn lại gồm phơi, gỡ, cắt, xếp bánh.
“Hôm nào nhiều hàng tôi sẽ ngồi phụ tráng cùng bà chủ. Thợ phụ làm từ sáng đến trưa có tiền công 300.000 đồng/ngày, tôi làm đến chiều thì thêm 150.000 đồng nữa, ở quê vậy là sống ổn rồi”, chị Trang cười nói.
Trong hơn 200 lò bánh trong làng, có vài chục lò làm quanh năm, còn hầu hết chỉ làm những tháng cuối năm để bán cho mùa tết. Không chỉ là đặc sản, bánh tráng còn là đồ cúng không thể thiếu của người dân trong vùng, vì thế mà mùa tết hàng dễ bán, được giá hơn.
Người làm bánh chủ yếu là các bà, các mẹ. Vẫn chỉ là những nguyên liệu như bột gạo, nước cốt dừa, trứng, sữa, đường, muối, vừng (mè), nhưng mỗi gia đình lại có một bí quyết tráng bánh riêng, được bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Theo những thợ làm bánh, làng nghề Mỹ Lồng đã có từ thời chúa Nguyễn đưa dân vào đây vỡ đất. Thời đó Mỹ Lồng được giao làm bánh tráng cho quan, bánh tráng có vai trò là lương thực dự trữ của quân đội.
Năm 2008, Mỹ Lồng đón nhận danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Năm 2018, nghề làm bánh nơiđây được Bộ Văn hóa và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.From: nhà cái casino online